Bà Nguyễn Bạch Điệp

People | 02 Jun, 2019

Bà Nguyễn Bạch Điệp hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT. Bà đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu (FPT Pharma), công ty con của FPT Retail.

Năm 2019, bà Nguyễn Bạch Điệp được vinh danh Top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, công bố bởi Forbes. Bà cũng được tôn vinh là 1 trong 20 người phụ nữ quyền lực nhất lĩnh vực kinh doanh năm 2019.

Được mệnh danh là “Người đàn bà thép,” trong sáu năm, bà Điệp và đội ngũ 5.000 nhân viên đã đưa FRT từ 17 cửa hàng ban đầu lên gần 470 cửa hàng, từ mức “tự nuôi, đủ sống” ngày đầu lên mức lợi nhuận sau thuế gần 290 tỉ đồng, vượt qua các tên tuổi có thâm niên trong ngành như Viettel, Viễn Thông A, Trần Anh.

Sau hai năm đầu “lỗ thấp hơn kế hoạch đặt ra,” năm thứ ba FPT Retail có lãi trên 40 tỉ đồng. Ba lý do thành công, theo bà Điệp, là “cẩn trọng, tính toán chi tiết,” “mở cửa hàng mới nhanh” và “học hỏi từ người dẫn đầu, giảm thiểu rủi ro.” 

Bên cạnh việc theo sát người đi đầu, FPT Retail cũng nỗ lực tạo ra sự khác biệt. Họ mở thêm F-Studio để phân phối các sản phẩm của Apple sau một thời gian dài chủ động tiếp cận, đàm phán. Tính đến cuối năm 2017, số cửa hàng F-Studio đạt 10 cửa hàng. “Họ rất kỹ trong chọn lọc địa điểm,” bà Điệp lý giải về tốc độ mở mới từ tốn của F-Studio. FRT cũng tìm các giải pháp kinh doanh vừa tạo thêm giá trị gia tăng cho khách hàng, vừa giúp họ tăng doanh số.

Công ty có hơn 5.000 nhân viên này đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt doanh số xấp xỉ một tỉ đô la Mỹ. Để biến mục tiêu thành hiện thực, công ty đưa ra ba hướng phát triển chính. Thứ nhất, dựa vào chuỗi cửa hàng bán lẻ Apple, với tốc độ mở mới khoảng 100 cửa hàng trong ba năm tới. Thứ hai, là chương trình “dùng trước, trả sau,” nhắm tới tập hợp khách hàng gắn bó trong thời gian qua.

Cuối cùng là mở rộng các ngành hàng mới, khi thị trường điện thoại di động, viễn thông đang vào giai đoạn trưởng thành, đồng nghĩa với khả năng tăng trưởng cao không còn nhiều. Họ “đặt một chân vào thị trường dược phẩm,” khi bà Điệp công bố đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu, để nghiên cứu, tìm hiểu thị trường. “Long Châu hiện nay có chín cửa hàng ở TP.HCM,” bà Điệp cập nhật về số cửa hàng mới mở tăng thêm năm cái kể từ khi FPT Retail đặt chân vào mảng bán lẻ dược phẩm.

Tuy mục tiêu mở chuỗi vẫn duy trì từ ngày đầu thành lập đến nay, song FRT có các bước điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Vài tháng sau khi triển khai chuỗi cửa hàng, bà Điệp cùng cộng sự quyết định lập bộ phận công nghệ thông tin, triển khai xây dựng phần mềm của họ, sau thời gian sử dụng các phần mềm sẵn có từ các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn. “Muốn đi nhanh phải triển khai nhiều nhánh cùng lúc, chỉ có bộ phận công nghệ thông tin tại chỗ mới đáp ứng tiến độ, bảo đảm được sự linh hoạt,” bà kể.

Bà cũng lưu tâm đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra. Bà cho rằng 4.0 là quan trọng thời điểm này, nếu doanh nghiệp không chuẩn bị, không theo kịp thì chắc chắn sẽ bị đào thải ngay.

Từ nhiều năm qua, FPT Retail đã đưa một số ứng dụng của công nghệ vào ứng dụng. Hiện tại, call center của FRT sử dụng chatbox để trả lời, trang bán hàng online hiện có đến 70% câu hỏi của khách hàng hỏi về sản phẩm, khuyến mãi đã do máy trả lời, nhờ đó FPT Retail hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm nguồn lực lẫn chi phí.

Kế đến, sau 6 năm thành lập FPT Retail có khoảng 11 triệu khách hàng định danh trước đây nằm rải rác và chưa được khai thác. Hiện công ty đã hoàn thành một big data và khai thác dữ liệu này để phân tích nhóm đối tượng khách hàng phục vụ cá thể hóa nhu cầu từng khách hàng, phân tích được họ thích gì, mua gì… và còn nhiều thứ khác được nghiên cứu thời gian tới.

Đăng bởi: FPT Digital Academy

Leave a Reply