Điểm Nhấn Gartner Catalyst 2019: Sự Trỗi Dậy của Digital Dragons và Tư Duy Mới về Đổi Mới Sáng Tạo

R&D Collaboration | 04 Oct, 2019

Tham gia thảo luận cùng với các chuyên gia tên tuổi của Gartner và hơn 800 CIO, CTO của các doanh nghiệp tên tuổi trên thế giới, anh Lê Hùng Cường, Giám đốc Học viện số FPT Digital Academy chia sẻ một sổ điểm nhấn tại hội nghị Gartner Catalyst năm nay.

1. Sự trỗi dậy của những tập đoàn Digital Dragons

Trong thế giới số của ngày nay, mọi ngành nghề đều là ngành nghề số, sản phẩm trở thành nền tảng, dịch vụ số trở thành điểm khác biệt với nền tảng ecosystem (nền tảng hệ sinh thái). Digital Dragons là từ khóa mới xuất hiện tại hội nghị Gartner Catalyst 2019. Đó là tên gọi chung về những gã khổng lồ sở hữu những nền tảng hiện đại, hệ sinh thái mạnh, làm chủ dữ liệu, đội ngũ tài năng và một lực lượng R&D hùng mạnh. Những tên tuổi nổi trội như Google, Facebook, Amazon…là những hãng công nghệ, những tập đoàn đa ngành nghề mà có thể có ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng.

Ông Dave Aron, Phó chủ tịch của Gartner cho biết, tốc độ tăng trưởng của những tập đoàn digital dragons cao hơn gấp đôi và gấp ba so với những công ty Top 500, hay top 100 trên thế giới. Thông qua một khảo sát 500 giám đốc điều hành, 64% cho rằng trong vòng 5 năm tới, những Digital Dragons này sẽ tham gia và thay đổi ngành nghề của họ.

Điều đặc biệt cần chú ý là sự xuất hiện của những “con rồng số” đến từ Trung Quốc. Nếu như 5 năm trước, danh sách 20 doanh nghiệp Digital Dragons phần lớn đến từ Mỹ thì đến năm 2018, có đến một nửa danh sách là từ Trung Quốc. Theo nhận định của chuyên gia Gartner, đây cũng sẽ là những tác nhân game changer (thay đổi cuộc chơi) trong lĩnh vực chuyển đổi số trong những năm tới.

Để có thể vượt qua những thách thức kỷ nguyên số, ông Dave Aron nhắn nhủ các doanh nghiệp nên bắt tay dần để hợp tác với Digital Dragons này.

Tham dự với tư cách đại diện FPT, anh Lê Hùng Cường, Giám đốc Học viện số FPT Digital Academy cho biết, hiện tại FPT cũng đang đi đúng hướng và đã hợp tác với nhiều tổ chức trong danh sách Digital Dragons nhằm hợp tác và làm đòn bẩy hiện thực hóa mục tiêu tiên phong chuyển đổi số của tập đoàn.

2. Chiến thắng nỗi ám ảnh “ sợ sai” trong doanh nghiệp

Rất nhiều doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi và đổi mới, chúng ta thường xuyên nghe những câu khẩu hiệu: hay thử và sai, nếu sai thì hay sai nhanh. Sai lầm là điều cần thiết cho đổi mới thành công. Nhưng bản chất con người luôn sợ sai và nỗi ám ảnh về sai lầm cũng tồn tại ở hầu hết các doanh nghiệp. Đây chính là kháng thể hủy diệt các dự án đổi mới sáng tạo. 

“Nếu muốn làm đổi mới sáng tạo, cần xác định những thiếu sót dẫn đến thất bại chứ không phải thành công”, bà Mary Mesaglio Phó Chủ tịch Gartner mở đầu bài phát biểu bế mạc tại hội nghị Gartner Catalyst 2019.

Theo bà Mary thì các doanh nghiệp không nên dùng từ “sai lầm” mà nên dùng từ “học và thực nghiệm”. Bà Mary chia sẻ: “Thực tế mọi người luôn luôn sợ sai vì sai đồng nghĩa với bị trừng phạt. Hai cái đấy thường luôn luôn đi kèm với nhau. Làm sao để làm đổi mới sáng tạo như là làm khoa học. Những người làm nghiên cứu khoa học thì họ không bao giờ bị trừng phạt nếu như những thử nghiệm họ làm thất bại. Họ chỉ bị trừng phạt khi gian dối về kết quả, khi không làm các thử nghiệm. Đấy là cái mà các doanh nghiệp cần phải học và áp dụng cái phương pháp khoa học của những nhà làm khoa học.”

Nhìn nhận về những lỗi sai, Phó Chủ tịch của Gartner cũng cho rằng, không phải sai lầm nào cũng là điều tồi tệ. Có những lỗi sai được xem là điều tuyệt vời khi mình học được từ những lần không thành công. Lại có những sai lầm là tốt khi đã thử nghiệm thực tế điều mình không nghiên cứu trước khi làm. Còn việc mắc sai lầm tồi tệ nhất là khi chúng ta chưa nhìn nhận, phân tích, nghiên cứu thấu đáo vấn đề.

Bà Mary Mesaglio cũng đưa ra một số lời khuyên đối với các tổ chức đổi mới sáng tạo. “ Với những cái dự án làm đổi mới sáng tạo, hãy tưởng tượng mình đang đứng ở một thời điểm khoảng 12 tháng tới khi dự án này kết thúc. Nếu 12 tháng nữa nếu dự án này không thành công thì hãy tưởng tượng xem dự án có thể bị vỡ vì lí do gì? Điều gì sẽ xảy ra? Lý do chúng ta nên thực hiện việc này ở giai đoạn đầu vì đó là giai đoạn mà mọi người đang cởi mở nhất và chân thật nhất với tất cả mọi yếu tố có thể ảnh hưởng đến dự án. Thêm vào đó, các tổ chức thường hay đưa chi phí thực hiện dự án như một yếu tố làm tăng mức độ chi tiêu. Trong khi chi phí chúng ta cần đưa ra để thúc đẩy sáng tạo là chi phí không làm đổi mới sáng tạo. Đó mới thật sự là khoản chi phí lớn hơn nhiều so với chi phí để thực hiện việc đổi mới.

Anh Lê Hùng Cường, Giám đốc Học viện số FPT Digital Academy tham dự tại hội nghị Gartner Catalyst 2019 đã có dịp trao đổi cùng chuyên gia cấp cao của Gartner về các bài toán đặt ra cho quá trình chuyển đổi số FPT

Đồng tình với quan điểm của bà Mary, anh Lê Hùng Cường nhìn nhận: “Lời khuyên của chuyên gia Gartner rất hữu ích và có thể áp dụng trong nội bộ của FPT và trong quy trình làm tư vấn cho các khách hàng trong quá trình thực thi đổi mới sáng tạo, làm chuyển đổi số. Đơn vị phụ trách chuyển đổi số cần truyền thông và thúc đẩy để cho mọi người trong công ty từ lãnh đạo đến nhân viên thấm nhuần được việc những thử nghiệm không thành công không là bình thường. Bởi nếu không có dự án thử nghiệm thất bại đồng nghĩa với việc đơn vị sáng tạo đã không thử nghiệm đủ và không chấp nhận rủi ro đủ để đạt được mức độ đổi mới sáng tạo như mong muốn.”.

Giữa một thế giới mà tốc độ thay đổi công nghệ thông tin chưa bao giờ nhanh như hiện nay thì việc xác lập tư duy về hoạt động đổi mới trong doanh nghiệp như làm khoa học là điều thiết yếu để tạo ra sản phẩm nổi bật, một thương hiệu mạnh và khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.