Nền Tảng Công Nghệ Để Doanh Nghiệp, Tổ Chức Chuyển Đổi Số

Business by Phan Thanh Sơn – CTO FPT Information System | 06 Jun, 2019

Bình minh của cuộc cách mạng công nghiệp mới Xuất phát từ cụm từ hội chợ Hannover năm 2011, cuối 2015 chúng ta bắt đầu nghe đến khái niệm Cách mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution 4.0). Trước đó, trong CMCN lần thứ 3 (3IR) bắt đầu từ cuối thập kỷ 1950, nhiều quốc gia như Singapore, Trung quốc, Ấn Độ, … đã tận dụng và có chiến lược phù hợp để vươn lên thành những nền kinh tế lớn.

Việt Nam đã phải trải qua thời kỳ CMCN lần thứ nhất (1IR) và CMCN lần thứ 2 (2IR) và hơn 1/3 thời gian của CMCN lần thứ ba (3IR) trong chiến tranh nên không có được một nền móng khoa học, công nghệ vững chắc để phát triển kinh tế xã hội sau ngày thống nhất. Cách đây 20 năm, việc kết nối Internet đã mở ra thời kỳ phát triển mới cho Việt Nam – thời kỳ bùng nổ cách mạng số. Mười năm sau công cuộc đổi mới (1986), chúng ta mới bắt đầu bước vào CMCN 3.0 với quyết tâm cao của cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ.

Trong suốt chặng đường đó, có những thế hệ cá nhân, doanh nghiệp, lãnh đạo đất nước đóng vai trò duy trì, phát triển cuộc CMCN. Có những thế hệ được lịch sử giao phó sứ mệnh lao vào cuộc CMCN, làm CMCN; chúng ta đang được giao sứ mệnh đó trong cuộc CMCN lần thứ tư.

Các công nghệ đột phá của CMCN lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo, thực tế tăng cường, thiết bị tự lái, công nghệ Nano, Robot, IoT… đang làm chuyển đổi thế giới. Nó xóa nhòa ranh giới giữa thế giới sinh học, thế giới số và thế giới vật lý. Các công xưởng không ánh đèn với đội ngũ robot hùng hậu có thể làm việc không mệt mỏi, không sai sót với năng suất cao… Thế mạnh của những nước có lực lượng lao động phổ thông đông đảo và rẻ dần mất đi nhường chỗ cho lực lượng lao động mới, theo phương thức sản xuất mới với một hệ sinh thái mới. Sự thành công của mô hình kinh doanh mới như: Uber, AirBnB, Fintech như là những gợn sóng đầu tiên của cơn sóng CMCN lần thứ tư.

Doanh nghiệp thời 4.0

Cuộc CMCN 4.0 (4IR) đang diễn ra âm thầm và ngày càng trở nên mạnh mẽ, tác động sâu sắc lên doanh nghiệp toàn cầu. Doanh nghiệp không thay đổi hoặc chậm bắt kịp xu hướng này sẽ dần dần bị thay thế và đào thải. Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu lớn bị phá sản hoặc sáp nhập là minh chứng cho điều đó.

4IR đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế với nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời. Nó thay đổi hoàn toàn cách thức doanh nghiệp tương tác với khách hàng, tương tác với nhau; từ phân tích nhu cầu, tiếp thị, bán hàng, đến chăm sóc khách hàng, chuỗi cung ứng, hệ sinh thái. Nó cũng thay đổi cách thức chúng ta quản trị doanh nghiệp và làm việc hằng ngày.

Ngành ngân hàng đã đề cập đến Banking 4.0. Marketing đã đưa ra khái niệm Marketing 4.0. Một số nhà nghiên cứu kinh tế, doanh nghiệp tiên phong, tổ chức đã đưa ra khái niệm Business 4.0. Tất cả đều có mối liên hệ hai chiều chặt chẽ với CMCN 4.0. Nhiều nước xuất phát điểm từ nước nghèo đã chớp được cơ hội trong các cuộc cách mạng để phát triển thành cường quốc kinh tế, nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia này đã trở thành các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các cuộc CMCN lần thứ nhất, hai và ba. CMCN lần thứ tư cũng như vậy nhưng mọi việc thay đổi với tốc độ, quy mô và mang tính hệ thống chưa từng có.

Hệ sinh thái Industry 4.0 – nguồn: Internet

Nhìn lại lịch sử, cứ khoảng 100 năm lại có một loạt sự soán ngôi của doanh nghiệp và quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Trong bức tranh kinh tế toàn cầu theo quy luật mới, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp ở Việt Nam là bình đẳng với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác, kể cả các cường quốc. Nếu hình dung được xu hướng của tương lai, của Industry 4.0, Business 4.0 và xây dựng tầm nhìn, chiến lược dài hạn ngay từ bây giờ thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thành công trong cuộc chơi này.

Chuyển đổi số doanh nghiệp như thế nào?

Để tồn tại, tham gia và hơn hết là dẫn đầu trong 4IR các doanh nghiệp cần có một cuộc cách mạng thực sự với những đổi mới sáng tạo từ ứng dụng những công nghệ hàng đầu của 4IR mà chúng ta gọi là “chuyển đổi số”.

Theo một khảo sát của Gartner, các CEO từ các tập đoàn hàng đầu kỳ vọng rằng đến năm 2020, 41% doanh số doanh nghiệp của họ đến từ digital business. Lãnh đạo Starbucks từng phát biểu Starbucks là công ty công nghệ bán cà phê. Đúng như vậy, trong năm 2016 tại thị trường Mỹ 44% doanh số của Starbucks qua nền tảng thanh toán điện tử/ di động.

Doanh số Starbucks tại US năm 2016, nguồn: Yahoo

Quá trình chuyển đổi số tạo cơ hội cho một doanh nghiệp chuyển đổi doanh nghiệp từ một hệ thống đóng với đầu ra đầu ra là sản phẩm dịch vụ sang “doanh nghiệp số” hay “doanh nghiệp như một nền tảng”.

Chuyển đổi sang Doanh nghiệp như một nền tảng, nguồn: Gartner 2016

Cũng từ quan điểm của Gartner, một doanh nghiệp số hoàn chỉnh cần được hỗ trợ bởi 5 nền tảng công nghệ:

  • Nền tảng Hệ thống thông tin (information systems platform): Hỗ trợ back office, vận hành như ERP và các hệ thống core .
  • Nền tảng Trải nghiệm khách hàng (customer experience platform): Gồm các thành phần chính tiếp xúc với khách hàng như customer portal, customer apps…
  • Nền tảng Dữ liệu và Phân tích (data and analytics platform): Có khả năng quản lý và phân tích thông tin/dữ liệu.
  • Nền tảng IoT (IoT platform): Kết nối các tài sản vật lý phục vụ giám sát, tối ưu hóa, điều khiển và tạo ra doanh số/giá trị. Bao gồm kết nối, phân tích và tích hợp các hệ thống core và các hệ thống OT.

  • Nền tảng Hệ sinh thái (ecosystems platform): Hỗ trợ việc tạo và kết nối đến hệ sinh thái, sàn thương mại/ giao dịch và các cộng đồng. Các thành phần chính gồm hệ thống quản lý API, hệ thống điều khiển và hệ thống an ninh – an toàn.


    Trong đó, nền tảng Hệ thống thông tin như đã nêu trên chính là việc vận hành các hệ thống back office và lõi bao gồm những hệ thống mà IT và OT (Operation Technilogy) của doanh nghiệp đã triển khai. Trong nền tảng này, các thành phần lõi và mở rộng của ERP nằm trong back office, core systems, BI. Trong OT, các hệ thống Industry Control System, SCADA, MES… trước đây được triển khai độc lập. Gần đây, chúng đang được tích hợp vào trong hệ thống Enterprise System thống nhất theo xu hướng hội tụ IT và OT, tạo điều kiện cho chuyển đổi số toàn diện doanh nghiệp.

    Nền tảng Trải nghiệm khách hàng để vận hành các tương tác, giao dịch với khách hàng (B2C, B2B, B2B2C, …) và công dân (G2C, G2B2C, G2G2C, …). Khả năng đa kênh là hết sức quan trọng đòi hỏi nhiều nỗ lực để có thể xây dựng một hệ thống triển khai được trên mọi kênh với nhiều trải nghiệm cho khách hàng. Để làm được việc này cần có sự cập nhật liên tục sản phẩm, dịch vụ và kênh; lấy khách hàng làm trung tâm, outside-in chứ không thể từ cách insideout truyền thống mà các hệ thống IT thường làm.

    Nền tảng IoT giúp kết nối các sự vật (sự vật thuộc khách hàng, đối tác, doanh nghiệp) với hệ thống IT và OT. Từ đó, giúp doanh nghiệp thu thập, phân tích dữ liệu qua hệ thống IoT Analytic để cung cấp các use cases và dịch vụ cho các bên liên quan. Khái niệm IoT ở đây bao trùm IoT cho khách hàng tiêu dùng (consumer IoT), IoT trong khu vực phi sản xuất (enterprise IoT như nhà thông minh, quản lý tài sản…) cho đến Industrial IoT (trong khu vực sản xuất, công nghiệp).

    Nền tảng Hệ sinh thái cho phép doanh nghiệp tạo giá trị từ outside-in với hệ sinh thái trong thế giới được số hóa cao độ. Việc này đòi hỏi khả năng tạo ra sự hiện diện của các tài sản như dữ liệu, giải thuật, giao dịch, quy trình qua các API ra bên ngoài cho các hệ sinh thái, sẵn sàng theo các business model mới với sự liên hệ giữa API nội bộ, riêng và công cộng.

  • Nền tảng Dữ liệu và Phân tích cung cấp các báo cáo phân tích theo thời gian thực. Trong đó, mỗi thành phần của nền tảng dữ liệu và phân tích có thể đưa ra chẩn đoán, dự đoán hay đề xuất; không còn những BI riêng lẻ, rời rạc không hiệu quả như trước.

Tính cấp thiết của doanh nghiệp với bài toán chuyển đổi số

Việc chuyển đổi doanh nghiệp sang doanh nghiệp số hiện nay không còn làm một lựa chọn “nên” nữa, mà là “sống còn”.

Đây là một cuộc đấu tranh sinh tồn mới với luật “cá nhanh” nuốt “cá chậm” chứ không còn “cá lớn” nuốt “cá bé” như trước đây. Công nghệ của 4IR cho phép phá vỡ các giới hạn để có thể tạo ra sự phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn hay tạo ra mô hình kinh doanh mới, nhanh chóng loại bỏ người chơi theo quy luật cũ. Chuyển đổi số là điều phải làm. Vấn đề bây giờ đó là thực hiện như thế nào?

Từ chiến lược kinh doanh của mình, các doanh nghiệp cần nhận định nền tảng nào trong 5 nền tảng công nghệ số kể trên cần được triển khai hay cải tiến. Quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp đòi hỏi thời gian, nguồn lực và cả điều kiện khách quan. Để đảm bảo sự thành công, doanh nghiệp có thể duy trì cả hai quá trình:

Một là, chuyển đổi sang nền tảng công nghệ doanh nghiệp số theo lộ trình dài hạn ứng với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Hai là, triển khai theo mô hình outsidein, phi truyền thống các nền tảng, ứng dụng nào mang lại sự khác biệt, giúp đổi mới sáng tạo nhanh chóng.

Hai quá trình này cần được kết nối, tích hợp với nhau để tối đa hóa giá trị mang lại.

Năm qua, hàng loạt hội thảo về CMCN 4.0 đã được diễn ra. Việt Nam đang sôi sục bước vào cuộc cách mạng mới với nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức.

Để biến cơ hội thành hiện thực, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng có chiến lược và chương trình hành động chuyển đổi số toàn diện, xây dựng nền tảng công nghệ doanh nghiệp số. Là đối tác chiến lược đã có kinh nghiệm triển khai các nền tảng lõi về hệ thống thông tin như ERP và các hệ thống mở rộng, FPT IS tin tưởng sẽ là doanh nghiệp tiên phong nắm bắt các xu hướng, sớm tiếp cận các công nghệ mới để có thể đồng hành với doanh nghiệp Việt nam trong hành trình chuyển đổi số này.

Đăng bởi: FPT Digital Academy

Leave a Reply